Tuan Giang blog

Tóm tắt lịch sử tiền tệ thế giới

Bản vị vàng

Nguyên nhân sự ra đời của bản vị vàng

Trong giai đoạn khoảng trước thế kỷ 19, giao thương hàng hoá giữa các quốc gia chủ yếu được thực hiện bằng phương thức trao đổi bằng vàng. Sau này khi xã hội phát triển, lượng hàng hoá giao thương ngày càng nhiều, khi đó thanh toán bằng vàng gây ra những rủi ro và bất tiện, điều đó tạo điều kiện cho sự ra đời của bản vị vàng

Cách thức hoạt động của bản vị vàng có thể được hiểu là số lượng tiền giấy in ra của một quốc gia phải bằng số lượng vàng quốc gia đó đang nắm giữ. Giả sử Anh cho neo vào vàng với mệnh giá 4,25 bảng = 1 ounce vàng. Hiện Anh đanh giữ 1000 tấn vàng, như vậy tổng lượng bảng Anh lưu hành trên thị trường là 1000*35274*4,25 = 148,914,500 bảng

Lợi ích mang lại của bản vị vàng

Với cơ chế bản vị vàng, chính phủ sẽ cho người dân đổi từ vàng sang tiền hoặc ngược lại bất cứ lúc nào. Điều này giúp người dân tin tưởng vào đồng tiền của nước mình hơn và họ sẽ có xu hướng sử dụng tiền mặt trong giao dịch, khi đó tính thanh khoản của hàng hóa sẽ tăng cao và việc giao thương giữa các nước cũng trở lên thuận tiện hơn. Ngoài ra, bản vị vàng còn có một ưu điểm là giúp các nước đạt được cân bằng cán cân thương mại

Cân bằng cán cân thương mại giữa hai quốc gia được hiểu là tổng giá trị xuất khẩu của một nước sang nước khác bằng tổng giá trị nhập khẩu từ nước khác. Cùng xem xét một ví dụ dưới đây để hiểu rõ hơn về lợi ích của bản vị vàng trong việc cân bằng cán cân thương mại

Giả sử Anh thâm hụt cán cân thương mại với Mỹ, khi đó một lượng tiền của Anh sẽ chảy sang Mỹ, chính phủ Mỹ sẽ gửi bảng Anh sang Anh và yêu cầu Anh trả lại bằng vàng. Lúc này Mỹ có thêm một lượng vàng mới và người sở hữu lượng vàng này sẽ đổi sang tiền để giao dịch, kết quả là cung tiền của Mỹ tăng lên, dẫn đến lạm phát, đồng nghĩa với việc đồng tiền của Mỹ sẽ trở lên mất giá so với bảng Anh. Chính nhờ sự mất giá của đồng $, người Anh nhận ra giá hàng hoá ở Mỹ rẻ hơn so với Anh, và họ tăng cường nhập khẩu các hàng hoá từ Mỹ, cuối cùng dẫn đến cán cân thương mại giữa hai nước sẽ chuyển về trạng thái cân bằng

Chế độ bản vị vàng hoạt động rât tốt vào khoảng nửa cuối thế kỷ 19 cho đến khi thế chiến thứ nhất xảy ra vào năm 1914. Để có tiền trang trải cho cuộc chiến, các nước đã tiến hành in thật nhiều tiền nhưng lại không được đảm bảo bằng lượng vàng dự trữ. Kết quả là lượng tiền cung ra thị trường tăng đột biến dẫn đến lạm phát

Sau thế chiến thứ nhất Anh cho neo lại bảng Anh vào vàng với mệnh giá 4,25 bảng bằng 1 ounce vàng, mức neo này bằng với mức neo trước chiến tranh bất chấp nền kinh tế Anh đang lạm phát trầm trọng. Kết quả là Anh bị thâm hụt cán cân thương mại, nhà đầu tư và các đại lý ngoại hối nhận thấy điều này và họ dự đoán bảng Anh sẽ giảm giá và bất ổn trong thời gian tới, họ đã tiến hành chuyển đổi một lượng lớn bảng Anh sang vàng, việc này đã làm cho lượng dự trữ vàng của Anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, và cuối cùng nước Anh tuyên bố bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1931

Sau thế chiến thứ nhất, Mỹ cũng cho neo lại đồng USD vào vàng năm 1919 với mức giá được giữ nguyên trước chiến tranh. Vào năm 1934 Mỹ tăng mức giá neo từ 20,67$ lên 35$ bằng 1 ounce vàng, điều này làm đồng USD mất giá so với các đồng tiền khác, dẫn đến có lợi cho xuất khẩu của Mỹ, từ đó thúc đẩy sản lượng GDP và giảm thất nghiệp. Việc nâng giá $ của Mỹ đã kéo theo các nước khác cũng nâng giá đồng tiền của mình để hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu. Chu kỳ này cứ tiếp diễn và khiến nhiều người mất niềm tin vào bản vị vàng. Việc mất niềm tin sẽ dẫn đến việc nhiều người không còn tha thiết nắm giữ tiền mặt, họ có xu hướng chuyển đổi từ tiền mặt sang vàng, điều này làm cho dự trữ vàng của các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Siêu lạm phát tại Đức (1921-1923)

Sau giai đoạn thế chiến thứ nhất, thế giới cũng đã chứng kiến cuộc Siêu lạm phát (1921-1923) xảy ra ở Đức, gây ra một đợt phá giá khủng khiếp đối với đồng Mark của Đức

Khi chiến thứ nhất kết thúc, Đức là nước bại trận và họ phải ký Hoà ước Versailles (Treaty of Versailles) vào năm 1919, hoà ước này bắt Đức phải trả một khoản lớn phí bồi thường chiến phí, cộng với trả thêm khoản lãi suất 500 triệu đô la mỗi năm cho các nước thắng trận. Số tiền thanh toán này phải được trả bằng vàng hoặc ngoại tệ, đây được xem là yêu sách trừng phạt nặng nề đối với người dân Đức

Để có đủ lượng ngoại tệ trả cho các nước thắng trận, Đức đã phải sử dụng đồng Papiermark được đảm bảo bằng nợ chính phủ để mua ngoại tệ, điều này đã làm cho đồng Mark của Đức bị phá giá nhanh chóng. Và chỉ sau hai tháng từ đợt chi trả đầu tiên vào tháng 8 năm 1921, đồng Mark đã mất gần 1/3 giá trị. Vào năm 1922, lạm phát ở Đức đã tăng trên 50% một tháng và dẫn tới siêu lạm phát. Chính phủ Đức lúc này đã mất kiểm soát với giá trị đồng tiền. Lạm phát tiếp tục leo thang, vào tháng 11 năm 1923 chỉ số giá đã tăng lên 1 tỷ lần so với tháng 1 năm 1921, một tờ báo tại Đức chỉ sau gần 2 năm từ tháng 1 năm 1922 đến tháng 12 năm 1923 đã tăng từ 0,3 Mark lên đến 70.000.000 Mark. Lúc này để mua hàng hóa trong siêu thị người dân đã phải sử dụng những xe đẩy chất đầy đồng Mark

Chính cuộc siêu lạm phát ở Đức đã tạo điều kiện cho Hitle lên nắm quyền và phát động thế chiến thứ hai. Khi thế chiến thứ 2 nổ ra, để có tiền phục vụ cho cuộc chiến, các nước tham chiến đã tiến hành in tiền ồ ạt và không quan tâm đến lượng vàng dự trữ. Lượng tiền mặt lưu thông lúc này không còn được đảm bảo bằng lượng vàng dự trữ, mọi người mất niềm tin vào bản vị vàng và sự sụp đổ diễn ra nhanh chóng

Tỉ giá cố định

Như đã phân tích ở phần trên chế độ bản vị vàng có một điểm yếu là dễ dàng bị tổn thương khi một nước chủ đạo trong nền kinh tế phá giá đồng tiền của mình, khi đó sẽ kéo theo một loạt nước cùng tham gia phá giá. Chính điều này đòi hỏi thế giới cần thiết lập một hệ thống tiền tệ mới.

Vào năm 1944, đại diện 44 nước đã găp nhau tại Bretton Woods, New Hampshire để thiết lập một hệ thống tiền tệ quốc tế mới gọi là tỉ giá cố định

Trong hệ thống tỉ giá cố định, nhằm ngăn chặn các nước phá giá đồng tiền, các nước sẽ được neo đồng tiền cố định của mình vào vàng nhưng không nhất thiết phải có đủ khả năng chuyển đổi thành vàng. Chỉ có đồng tiền duy nhất chủ đạo trong nền kinh tế là đồng USD là có khả năng chuyển đổi thành vàng và được với mức giá cố định là 1 ounce vàng bằng 35$. Đối với hệ thống tỉ giá cố định các nước có quyền kiểm soát giá trị đồng tiền của mình bằng cách mua bán đồng nội tệ trong phạm vi 1%, nếu lớn hơn 1% phải có sự cho phép của IMF

Những ưu điểm của tỷ giá cố định

Ưu điểm lớn nhất của tỷ giá cố định là ngặn chặn được một quốc gia cố tình tăng lượng cung tiền một cách ồ ạt. Giả sử Nhật tung ra thị trường một lượng lớn đồng Yên nhưng không được đảm bảo bằng các tài sản liên quan, đồng yên sẽ mất giá khiến giá cả hàng hoá trong nước tăng cao, với cơ chế tỷ giá cố định hàng hoá ngoài nước Nhật sẽ trở nên hấp dẫn vì có giá thành tốt hơn, dẫn đến Nhật tăng cường nhập khẩu, cán cân thương mại của Nhật lúc này sẽ bị thâm hụt, sự thâm hụt cán cân thương mại sẽ dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp trong nước tăng lên

Trong trường hợp nếu một nước đối mặt với tình trạng thâm hụt cán cân thương mại trong thời gian dài dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, lúc này IMF sẽ can thiệp bằng cách cho vay tiền trong một thời gian ngắn để giảm thâm hụt cán cân thương mại

Tỷ giá thả nổi

Sự sụp đổ của tỉ giá cố định

Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sách kinh tế vĩ mô của Mỹ giai đoạn 1965-1968

Chính phủ Mỹ đã gia tăng in tiền để phục vụ cho cuộc chiến ở Việt Nam nhưng không được đảm bảo bằng các khoản tăng thuế, hệ quả là lạm phát tăng cao ở Mỹ, đỉnh điểm lạm phát đã lên tới 9% vào năm 1968. Như đã phân tích ở phần trước khi áp dụng tỉ giá cố định, việc tăng cung tiền của một quốc gia sẽ dẫn đến hàng hóa nước ngoài trở nên hấp dẫn vì có giá thành tốt hơn, điều này dẫn đến người dân nước đó tăng cường xài hàng nhập khẩu. Và hệ quả là vào năm 1971 lần đầu tiên Mỹ bị thâm hụt cán cân thương mại. Nhận thấy đồng $ có dấu hiệu mất kiểm soát và trong tương lai sẽ rớt giá, các nhà đầu tư và các đại lý ngoại hối đã phản ứng bằng cách bán ra đồng $ và mua đồng Mark, hệ quả là vào ngày 4-5-1971 ngân hàng Budesbank đã phải mua 1 tỷ $ để giữ tỷ giá hối đoái $/mark ở mức cố định, trong ngày tiếp theo họ mua thêm 1 tỷ $ nữa, và cuối cùng họ đã cho thả nổi đồng Mark khi không còn khả năng can thiệp được nữa

Việc đồng $ liên tục rớt giá đã đẩy nền kinh tế Mỹ vào trạng thái báo động, để giảm sức ép từ việc mất giá của đồng $, chính phủ Mỹ đã ép các nước phải thay đổi tỷ giá theo hướng có lợi cho đồng $. Và để thực hiện điều này, vào tháng 8 năm 1971, Mỹ tuyên bố đồng $ sẽ không còn khả năng chuyển đổi thành vàng, và tuyên bố sẽ đánh thuế 10% đối với các mặt hàng nhập khẩu của các đối tác thương mại của Mỹ. Như chúng ta đã biết đối với hệ thống tỷ giá cố định, các nước có thể thay đổi tỷ giá đồng tiền của mình thông qua thay đổi tỷ giá với đồng $, nhưng để làm cho đồng $ giảm giá thì tất cả các nước đều phải cùng thay đổi, một số nước sẽ không muốn điều này vì có thể làm giá hàng hóa của họ đắt lên. Nhưng trước sức ép liên tục từ Mỹ, một thỏa thuận vào tháng 12 năm 1971 giữa các đối tác thương mại của Mỹ về việc phá giá đồng đô la 8% so với các đồng tiền khác đã được thông qua, khoản thuế 10% hàng nhập khẩu đối với các đối tác thương mại của Mỹ ngay sau đó đã được gỡ bỏ

Tuy nhiên đồng $ lại bị tấn công sau một làn sóng đầu cơ khổng lổ vào năm 1972, lúc này các ngân hàng trung ương châu Âu đã phải chi 3,6 tỷ $ vào ngày 01 tháng 3 để ngăn chặn đồng tiền của mình tăng giá so với đồng $, nhưng việc này chỉ là biện pháp tạm thời và không mang lại sự hiệu quả trước làn sóng bán tháo ồ ạt đồng $. Và khi thị trường ngoại hối mở cửa vào ngày 19 tháng 3, các loại tiến tệ chính của các đối tác thương mại của Mỹ đã được thả nổi so với đồng $

Vào năm 1973 tỉ giá thả nổi đã được chấp nhận trên toàn thế giới. Việc dự đoán tỉ giá cũng trở nên vô cùng khó khăn khi áp dụng tỷ giá thả nổi, chẳng hạn như việc đồng $ mất một nửa giá trị vào năm 1971 do các thành viên OPEC tăng giá dầu mỏ nên gấp 4 lần. Hay một trường hợp khác trong giai đoạn 1980-1985 khi Mỹ bị thâm hụt cán cân thương mại nhưng đồng $ lại tăng giá, nếu so với giai đoạn những năm 1970 trước đây, đồng $ đã bị rớt giá do Mỹ bị thâm hụt cán cân thương mại.