Tuan Giang blog

Ngân hàng tạo ra tiền bằng cách nào?

Ngân hàng và cung tiền

Ngân hàng đã ra đời từ rất lâu và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, theo một số thông tin thì ngân hàng đầu tiên trên thế giới có tên Monte dei Paschi di Siena được thành lập năm 1472 tại thành phố Siena, Ý

Khi các loại tiền xu và giấy ra đời thì ngân hàng cũng xuất hiện, chúng đã len lỏi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống chúng ta, nhiều người mua sắm bằng thẻ tín dụng, mua nhà bằng các tài sản thế chấp với ngân hàng... Có thể thấy sự ra đời của ngân hàng đã giúp nền kinh tế có tính thanh khoản hơn, có nhiều phương thức trao đổi và thanh toán hơn

Khi nói đến ngân hàng, mọi người sẽ nghĩ đến là một nơi có rất nhiều tiền, vậy ngân hàng tạo ra tiền bằng cách nào, hãy cùng xem xét một ví dụ đơn giản dưới đây:

Giả sử ông A mang 1 tỷ gửi vào ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB lúc này sẽ ghi vào sổ cái khoản nợ 1 tỷ đối với ông A, bù lại ngân hàng có 1 tỷ là tài sản trong két sắt

Ngân hàng ACB sẽ không để 1 tỷ này nằm im trong két sắt, họ sẽ mang số tiền này đi cho vay để tạo ra lợi nhuận. Họ lấy 900 triệu trong két sắt và cho ông B vay. Giả sử ông A và B là hai người bạn và khi ngồi cà phê với nhau, ông A sẽ khoe tôi có 1 tỷ trong ngân hàng, còn ông B nói rằng tôi có trong tay 900 triệu tiền mặt. Bà chủ quán cà phê nghe được câu chuyện và biết được 2 vị khách của mình đang có số tiền là 1,9 tỷ đồng. Nhưng thực tế số tiền giấy hiện có chỉ là 1 tỷ đồng (900 triệu ông B giữ và 100 triệu nằm trong két sắt ngân hàng), nó đã được phình lên 1,9 tỷ qua hoạt động của ngân hàng, con số 1,9 tỷ đồng này vẫn chưa dừng lại, hãy tiếp tục câu chuyện ở phần dưới

Ông B sau khi vay được 900 triệu từ ngân hàng ACB liền mua ngay miếng đất 900 triệu của ông C, ông C mang 900 triệu này và gửi vào ngân hàng ACB. Ngân hàng ACB sau khi nhận 900 triệu của ông C, họ giữ lại 90 triệu trong két sắt và mang cho ông D vay 810 triệu. Và khi cuối tuần ba ông A,C,D gặp nhau bà chủ quán cà phê lại biết thêm thông tin ông D có 810 triệu tiền mặt, như vậy tổng số tiền của 3 vị khách lúc này đã là 1,9 tỷ + 810 triệu = 2 tỷ 710 triệu

Quá trình trên cứ tiếp diễn, cuối cùng từ số tiền 1 tỷ ban đầu của ông A, nó đã được phình lên tới 10 tỷ đồng

Câu chuyện trên cho thấy ngân hàng không tạo thêm đồng tiền nào nhưng lại làm cho cung tiền phình to lên nhiều lần. Quay lại ví dụ trên, giả sử không có sự xuất hiện của ngân hàng, số tiền 1 tỷ vẫn sẽ nằm yên trong nhà ông A. Ông B khi đó rất muốn vay tiền để làm ăn và biết ông A có 1 tỷ, ông B đã đến gặp ông A để đặt vấn đề. Trong quá khứ ông B có thói quen hay vay mượn và trả nợ trễ hạn, ông A biết được điều này và không cho ông B vay. Nhưng nhờ sự xuất hiện của ngân hàng ông B đã có thể vay được, khi mượn được tiền ông B sẽ có động lực làm ăn và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội, ngân hàng trong trường hợp này đã giúp nền kinh tế có tính thanh khoản hơn, mang lại nhiều phương thức trao đổi và thanh toán hơn.

Phân loại các mức cung tiền

Trong phần trước, chúng ta đã biết ngân hàng làm cho cung tiền phình to ra thông qua các hoạt động vay mượn. Cung tiền có thể hiểu đơn giản là lượng tiền đang lưu thông trong nền kinh tế, tùy theo quy mô, người ta sẽ phân loại cung tiền thành 4 mức độ khác nhau:

M1: Tiền mặt ngoài ngân hàng + Tiền gửi không kỳ hạn dùng Séc

M2: M1 + Tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn

M3: M2 + Tiền gửi khác

M4: M3 + Trái phiếu, cổ phiếu.

Tỉ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng

Sẽ ra sao nếu ngân hàng cho vay toàn bộ số tiền được cá nhân hoặc tổ chức gửi vào? Khi đó lượng cung tiền là vô tận, đi kèm các rủi ro về lạm phát và nợ xấu. Chính điều đó, ngân hàng phải giữ lại một lượng tiền mặt trên số tiền được gửi vào, tỉ lệ giữa số tiền ngân hàng giữ lại trong két sắt trên tổng số tiền được gửi vào gọi là tỷ lệ dự trữ bắt buộc (Reserve Ratio), tỷ lệ này sẽ được quy định bởi chính phủ và ngân hàng trung ương

Từ tỉ lệ dự trữ bắt buộc, có thể dễ dàng tính được tổng lượng cung tiền bằng cách lấy tổng số tiền ban đầu gửi vào chia cho tỉ lệ dự trữ bắt buộc. Trong ví du trên, số tiền ban đầu của ông A gửi vào là 1 tỷ, với tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%, suy ra tổng lượng cung tiền ra thị trường là 10 tỷ đồng.